Feeds:
Bài viết
Bình luận

Tại sao tôi lại đi viết hồi ký ở cái tuổi lưng chừng đời thế này?

Thường thì người ta chỉ viết hồi ký khi về hưu, lúc nhàn rỗi kể lại những việc đã trải qua của một đời người.

Tuy nhiên, cuộc đời tôi trong sáu năm qua đã xảy ra quá nhiều biến động như một kiếp người mà đến bây giờ tôi mới có được chút cảm giác “chân chạm đất” và được sống “bình lặng” dù mới chỉ là hai tháng.

Trong sáu năm, tôi đã đi khắp đất nước Việt Nam, chưa kể những địa danh tôi ưa thích như Mũi Né, Nha Trang và Vịnh Hạ Long tôi đã đi trên dưới hai mươi lần.

Hôm nay tôi mới ngồi đếm số visa trong hai quyển hộ chiếu của tôi (một quyển hết chỗ đóng visa nên phải xin thêm một quyển nữa) và tôi đã thống kê được số visa đi nước ngoài (trong sáu năm) như sau:

– Campuchia (1 lần)

– Thái Lan (22 lần); tôi đã từng sống và làm việc ở Bangkok

– Trung Quốc (4 lần)

– Macau(1 lần)

–  Hongkong (sân bay; có cả 1 câu chuyện ở đây)

– Myanmar(4 lần); tôi đã sống vài tháng ở Yangon

– Singapore (5 lần)

– Malaysia(3 lần)

– Sri Lanka(5 lần); tôi đã sống ở cả 2 thành phố Colombo và Kandy

– Ấn Độ (1 lần)

– Australia(2 lần); tôi đã sống, học tập và làm việc ở Sydney

– Thụy Điển (1 lần)

– Hà Lan (1 lần)

– Thụy Sỹ (2 lần); hiện tôi đang sống và làm việc ở Geneva

Tôi không khỏi suy nghĩ:

Nếu tính trung bình một chuyến đi tương đương với 1.000 USD (bao gồm cả tiền ăn ở, khách sạn, vé máy bay, visa) thì không biết là tôi đã tiêu bao nhiêu tiền vào việc đi du lịch trong sáu năm qua.

Mà giờ đây tôi chỉ có hai bàn tay trắng, tài sản vật chất không có gì ngoài mấy bộ quần áo và mấy đôi giầy.

Mấy lần về Việt Nam gặp gỡ bạn bè, đứa thì khoe mua nhà hơn 1 tỉ, đứa thì khoe mua xe hơi… nhìn lại mình… chả nhẽ khoe “tao mới mua đôi giày”…

Tuy nhiên tôi lại tự hãnh diện vì mình được đi nhiều, học được nhiều điều mà trường lớp, sách vở không dạy được mà tiền bạc cũng không mua được.

Các cụ đã nói “đi một ngày đàng – học một sàng khôn” thì cấm có sai.

Càng đi nhiều tôi càng thấm thía chân lý cuộc sống và tôi đã tìm được con đường sống cho riêng mình.

Tôi muốn viết nhiều lắm.

Tôi muốn viết về chế độ độc tài quân sự ở Myanmar và nỗi thống khổ của người dân.

Tôi muốn viết về sự tiến bộ của Thái Lan, một nước láng giềng mà mình phải học tập.

Tôi muốn viết về đời sống xã hội của Trung Quốc; về một câu chuyện lãng mạn giữa tôi với một người con trai Trung Hoa.

Tôi muốn viết về nền giáo dục tuyệt vời của Úc; về một môi trường xã hội văn minh.

Tôi muốn viết về cuộc nội chiến ngu ngốc ở Sri Lanka giữa Chính phủ và Những Con Hổ giải phóng Tamil.

Và còn rất nhiều những câu chuyện về mối quan hệ cá nhân tôi với những người dân địa phương; về sự mâu thuẫn Văn hóa các nước….

Trong sáu năm tôi đã được gặp gỡ nhưng rồi cũng đã phải tiễn đưa hai người bạn, người thầy vĩ đại về cõi vĩnh hằng.

Trong  sáu năm tôi đã được nhận làm con nuôi ở ba gia đình thuộc ba quốc gia khác nhau là Trung Quốc, Thái Lan, và Australia.

Trong sáu năm tôi đã bỏ đi – yêu lại một người đến bốn lần

Trong sáu năm tôi đã làm cô dâu trong hai đám cưới

Trong sáu năm tôi đã hai lần thoát chết: một lần trong vụ đánh bom cảm tử ở Sri Lankavà một lần trong vụ tai nạn xe hơi trên đường ra sân bay Colombo

Tôi đã từng bị Cảnh sát Hongkong áp giải trao trả cho Cảnh sát Macau

………

Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi tôi đã bứt phá, từ chối một cuộc sống áp đặt đời thường mà bao thế hệ phụ nữ Việt Nam đã trải qua và ngay cả thế hệ tôi bây giờ cũng vậy.

Các bạn có thể thấy trong các chương đầu hầu như tôi chỉ nói đến sự khủng hoảng giữa các mối tình cá nhân.

Đó không đơn thuần chỉ là việc kể khổ mà có nhiều những suy nghĩ trăn trở trong đó.

Tôi muốn thay mặt cho chị em phụ nữ lên tiếng với cánh đàn ông Việt Nam, những người có bản chất tốt nhưng đôi khi lại quá vô tâm và ích kỉ với người yêu, người vợ của mình mà đánh mất tình yêu – hạt giống hạnh phúc gia đình.

Những câu chuyện tôi viết ra đây đều là chuyện thật đời tôi, với những suy tư về những gì tôi đã trải nghiệm.

Tôi hy vọng từ những câu chuyện của tôi các bạn sẽ có niềm tin và sự mạnh mẽ đấu tranh cho niềm tin của mình.

Hãy luôn tin rằng bạn sẽ được hạnh phúc bởi vì bạn đã sẵn có cái quyền được hưởng hạnh phúc rồi, chỉ cần bạn bảo vệ được cái quyền đó của mình thôi.

Đã có lúc tôi mất niềm tin hoàn toàn nghĩ rằng số phận của mình thật kém may mắn, chết đi có lẽ sướng hơn.

Nhưng chết là hết và chết thì dễ hơn sống nhiều.

Sống và sống sao cho có ý nghĩa là đã cả một nấc thang dài.

Tôi đã phải trải qua bao sóng gió, đấu tranh cho niềm tin và hạnh phúc của chính mình thì mới có được ngày hôm nay ngồi đây – thanh thản viết những dòng chữ này.

Tôi tự nhận thấy những kinh nghiệm tôi đã trải qua là vô cùng quí báu và tôi đã bắt đầu viết.

Tôi không viết để lấy lòng độc giả với những chi tiết thêm thắt bay bướm.

Tôi chỉ trải lòng mình với suy tư  của một người con gái nước Việt đã may mắn được đi đây đi đó và viết những gì mắt thấy tai nghe.

Góc nhìn của tôi có thể hoàn toàn khác so với những gì bạn nghe được trên đài báo, đặc biệt là đài CNN (vì nhiều nước cũng mua tin từ đài này).

Tôi đã ở đó trực tiếp chứng kiến đời sống của những người dân địa phương nơi tôi đã đi qua và tôi biết nhiều tin là sai sự thật.

CNN không chỉ là một hãng tin toàn cầu lớn nhất thế giới mà nó còn là cơ quan tuyên truyền của Mỹ, chỉ nói những điều có lợi cho nước Mỹ mà thôi.

Nói như vậy không phải tôi phê phán CNN mà thực tế là tôi suốt ngày chỉ xem đài CNN để cập nhật tin tức.

Ý tôi muốn nói ở đây là “không phải tất cả những gì đài báo đưa tin là đúng 100%”, đằng sau những tin tức đó còn nhiều điều uẩn khúc không được nói đến nhằm có lợi cho chiến lược mị dân của Mỹ”.

Các bạn có thể ngạc nhiên đến sửng sốt nếu như tôi nói rằng:

Phần lớn người dân Iraq yêu quí Saddam Hussein và họ thà có Saddam Hussein làm lãnh đạo còn hơn là để Mỹ nhúng tay vào giúp”.

Và thực tế bây giờ các bạn có thể thấy cái “đống hoang tàn đổ nát” mà Mỹ đã để lại sau khi “giúp” đất nước này như thế nào.

Ta hãy tự đặt mình vào địa vị của họ – những người dân Iraq xem…

Tôi không phản đối Mỹ mặc dù ở nước nào Mỹ cũng nhúng mũi vào chuyện chính sự, tôi chỉ phản đối chiến tranh và đặc biệt là cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Iraq.

Tôi sẽ không đi sâu về vấn đề chính trị mà ở đây tôi chỉ muốn bày tỏ một cái nhìn khách quan trên toàn cảnh diện rộng.

Lẽ dĩ nhiên tôi mong những gì tôi viết được nhiều người cùng đọc và suy ngẫm.

Sự góp ý của các bạn sẽ giúp tôi tiến bộ hơn trong văn phong và tôi rất cảm ơn những người đã, đang và sẽ ủng hộ tôi viết, gợi ý những đề tài đang được quan tâm ở Việt Nam.

Biết đâu một ví dụ về sự thành công của một quốc gia nào đó trong lĩnh vực tương tự lại có thể giúp ta tiến bộ hơn.

Dù sao tôi cũng là một người yêu nước muốn đóng góp chút kiến thức nhỏ nhoi của mình.

Tác giả: Tâm Phan

Geneva14/11/2007

Nguồn: Facebook

Ngày 15/05 vừa qua, Nhà xuất bản Thanh niên vừa phát hành quyển sách Lý thuyết Âm nhạc Căn bản của Thạc sĩ – Nhạc trưởng Nguyễn Bách.

Nhạc sĩ Bách sống ở Châu Âu 10 năm, phần lớn ở Munich, Đức, một đất nước có nền khí nhạc nổi tiếng thế giới.

Dù nội dung sách là vấn đề học thuật, nhưng nhạc sĩ đã trình bày bằng một ngôn ngữ rất dễ hiểu.

Những đầu sách nghiên cứu âm nhạc một cách có hệ thống như vậy lại rất thiếu ở Việt Nam ta.

Từ trước đến nay, đến các nhà sách lớn, hầu như chỉ thấy các tập ca khúc nhạc trẻ trong và ngoài nước, còn sách nhạc lý thì quá giản lược.

Với khoảng 40 quyển sách đã viết về âm nhạc, có lẽ nhạc sĩ Bách là một trong những tác giả hiếm hoi, dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu âm nhạc.

Ngoài vài chục đầu sách khác về Hòa âm, Chỉ huy, Hợp xướng, Kỹ thuật phòng thu cho đến Tự điển thuật ngữ âm nhạc Anh-Pháp-Đức-Ý v.v…), có thể nói Lý thuyết Âm nhạc Căn bản là một trong những quyển sách rất đáng để đọc dành cho người yêu nhạc/học nhạc/chơi nhạc.

Đặc biệt trong quyển sách này, chuyên gia tài chính ngân hàng kiêm nhạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, cộng tác viên của Văn đàn ACS Việt Nam tại Singapore đã tham gia với vai trò chính về hiệu đính ngôn ngữ và tư vấn về nội dung.

Lời anh

 

Em như cơn gió thoảng qua

Em như ngọn sóng trôi xa , xa rồi.

Cần chi cơn gió em ơi .

Cần chi ngọn sóng giữa đời bao la.

Đừng nhớ anh mỗi chiều tà

Đừng nhìn ảnh cũ ,lệ nhòa ánh dương

Cùng em chỉ một đoạn đường

Chia tay em nhé đừng vương tơ lòng.

Tác giả: Thu Mỹ

Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troycũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. 

Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. 

Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. 

Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác.

Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. 

Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar,  vua Arthur, hoàng đế Charle-magne.

Việt Nam rất cần những anh hùng. 

Tuy nhiên, những anh hùng của thời hiện đại không thể giống những Hector, Turnus hay Kinh Kha ngày trước.  

Cả thế giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ trong xã hội. 

Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với thế giới. 

Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính chất thời đại như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng văn hóa thì khả năng hành động của những con người như vậy chính là chìa khóa để vươn lên.

Tác giả: Quý Thanh

Nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2011/5/148932.cand

Ảo ảnh

Sao anh nỡ dối em

Cho ước mơ tắt lịm

Sầu tím cánh hạc hồng

Mùa đông dài vô tận

* * *

Sao anh không nói thật

Sưởi ấm cõi lòng em

Chốn đô thị hoa đèn

Vẫn chờ anh đơn độc

* * *

Dù tình kia là thật

Hay tình chỉ là mơ

Anh mãi là ảo ảnh

Em ôm trong hư vô.

* * *

Tình nào buồn hơn thế

Mà em vẫn chờ mong ?

Nhưng lòng em thầm nhủ :

Tình nào đẹp hơn không ?

* * *

Em vẫn cười trong nắng

Vẫn tươi tắn như hoa

Giấu tâm hồn héo úa

Có ai biết đâu mà

Tác giả: Thu Mỹ

Thị Nở là ai?

Tổ khoa học xã hội trường THCS Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam trong quá trình đi tìm tài liệu để làm tập Tư liệu “Sức sống Nam Cao”, đã sưu tầm được một số mẩu chuyện rất hấp dẫn, lý thú có liên quan đến tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Một trong các mẩu chuyện ấy là chuyện về nhân vật Thị Nở – “người yêu” của Chí Phèo trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Ông Trần Khang Hộ, người làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, bạn học thuở nhỏ của nhà văn Nam Cao, con cụ Ký Lân – thầy dạy của nhà văn Nam Cao và một số cụ cao niên khác có kể câu chuyện sau:

Hồi ấy, ở làng Đại Hoàng có cô Trần Thị Nở, con ông Phó Kính – ông này làm nghề đóng cối xay nên gọi là phó. Thị Nở xấu xí, tính dở hơi, rất hay cười nên ông mới đặt tên là Trần Thị Nở.

Thị Nở chỉ biết làm việc vặt trong nhà và nhặt cỏ vườn.

Thị Nở thường làm bạn với cái chép cùn (có nơi gọi là cái dầm).

Tính thị dở hơi, rất vô tâm, sờ vào việc gì được một lúc là lăn ra ngủ, bất kể là đâu.

Thôi thì chân đống rạ, gốc chuối, bờ ao…

Có lần bà ngoại nhà văn Nam Cao (bà Vân) sai thị đi kín nước về ngâm sợi, mãi không thấy thị về, cho người đi tìm, thì ra thị đang ngủ ở gốc chuối.

Người làng ai cũng cười cái tật xấu ấy của thị.

Người ta kể cái “tài gia chánh” của thị như  sau:

Ông bố chồng của thị (ông Quản Dung) thường xuyên rày la thị về tội để cơm sống, cơm khê.

Những khi ấy, Thị Nở vênh mặt lên cãi lại bố chồng:

“Sống đâu mà sống, chỉ hơi sường sượng thôi mà!”.

Tuy thị xấu và dở hơi như vậy nhưng thị vẫn có chồng.

Chồng thị là anh Đào.

Anh này cùng cảnh làm thuê như Thị Nở.

Nhà nghèo lắm, phải mua chức trùm.

Thị Nở có ý vênh vang ra phết.

Anh chồng thì nai lưng ra làm để giả nợ.

Ăn ở với nhau được một thời gian thì thị sinh cho Đào một đứa con trai đặt tên là Trần Bá Xuyên.

Năm 14, 15 tuổi gì đó, Xuyên vào Sài Gòn theo người làng đi tìm chú là ông Ba Lễ, rồi mất ở Sài Gòn lúc còn trẻ.

Khi đã có gia đình rồi, Thị Nở vẫn còn làm thuê cho bà ngoại Nam Cao.

Nhà văn Nam Cao gọi Thị Nở là dì, còn Thị Nở gọi nhà văn là cháu.

Chuyện Thị Nở ở làng Đại Hoàng là có thật.

Nhưng với tài hư cấu của nhà văn, ông đã cho ra đời một Thị Nở có một không hai trong lịch sử văn học ViệtNam.

Nhờ có Thị Nở mà “Chí Phèo” mới nổi tiếng, mới sống mãi trong lòng người đọc.

Cũng nhờ có Thị Nở và Chí Phèo mà tên tuổi nhà văn Nam Cao đã tỏa sáng trên bầu trời văn học ViệtNam.

Nguồn: TPO

Nhiều thế hệ bạn đọc thắc mắc:

Vì sao nhà văn Nam Cao lại gắn cho nhân vật Chí cái tên Phèo?

Có 2 giai thoại, đều là do những người làng Đại Hoàng, quê hương Nam Cao và là bạn thân với nhà văn kể lại.

1.Rượu say rồi lại nằm phèo

Ở làng có một người tên Chí, quê quán ở đâu không rõ.

Chí người cao, to, béo, khoẻ, thường hay giúp nhà này nhà nọ trong làng khi có việc.

Các nhà có máu mặt trong làng thường thuê Chí đi đòi nợ.

Xong việc, học cho Chí vài xu đi uống rượu.

Cứ uống say là Chí lại nằm phèo ở điếm, từ đó mà người làng mới hay gọi là Chí Phèo!

2. Giỏi ‘bắt phèo’

Làng Đại Hoàng hồi ấy có lão Trương Pháo chuyên làm nghề giết lợn.

Ông này thường bắt ‘phèo’ để bán, vì món này được nhiều khác ưa chuộng.

Chí có ra làm thuê cho Trương Pháo, cũng ‘bắt phèo’ cho chủ bán.

Chí ‘bắt’ cũng ngon như chủ, làm khách ăn ai cũng khen ngon.

Từ đó, Chí có tên là Chí Phèo.

Chí Phèo – một trong những truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao, đã đi vào lòng người dân Việt Nam, đã trở thành hình tượng điển hình, bất cứ ai dù ít dù nhiều cũng đều từng nghe qua cái tên Chí Phèo.

Nhưng phải đến khi đọc qua tác phẩm và ngẫm nghĩ, ta mới thấy được, hơn “đôi lứa xứng đôi” của hai con người bị cả làng Vũ Đại khinh chê, là sự thay đổi của Chí Phèo, hay hình ảnh nhân cách con người bị thối nát trong xã hội đương thời và khát khao được làm người lương thiện.

Và ta thử  đặt câu hỏi:

Nếu Chí Phèo và Thị Nở được phép ở bên nhau, liệu đời Chí có rẽ sang một ngã đường khác hay không.

Câu chuyện được mở đầu bởi tiếng chửi của Chí Phèo.

Có rượu vào là hắn chửi, có rượu vào là hắn lại ăn vạ kêu làng để xin tiền nhà cụ bá. Và khi có tiền, thì hắn lại đi uống rượu.

Cuộc đời của Chí chìm trong cơn say triền miên, tưởng chừng hắn không bao giờ biết tỉnh táo là gì từ ngày hắn quay lại làng Vũ Đại.

Còn người dân làng nào nhớ chăng hình ảnh “một thằng hiền lành như đất”, cũng đi làm kiếm sống qua ngày như ai.

Bây giờ đã trở thành một tên du côn với đầy “những nét trạm trổ rồng, phượng”, chỉ biết ăn vạ và dọa nạt người khác.

Và rồi Thị Nở xuất hiện, con người với nhan sắc là “sự mỉa mai của hóa công”, gia đình vừa nghèo vừa có mả hủi, đã vậy tính tình thì lại ngẩn ngơ.

Sự gặp gỡ của một người đàn ông khiến “tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua” và một người phụ nữ bị “người ta tránh thị như tránh con vật nào rất tởm” đã khiến một phương diện tính cách khác của Chí Phèo xuất hiện.

Một tâm hồn bắt đầu cảm nhận sự cô đơn, và khao khát được làm người lương thiện và có một mái ấm nho nhỏ như bao người khác, điều mà hẳn người dân làng Vũ Đại nào chắc cũng bật cười vì nó quá tầm thường và dễ dàng có được.

Cái đêm trăng sáng định mệnh ấy, khi mà Chí Phèo lần đầu cảm thấy “ứ đầy miệng bao nhiêu là nước dãi, mà cổ thì lại khô”, và người hắn rộn rạo, cái khát khao xác thịt của con người, sau bốn mươi năm sống trên đời hắn mới cảm thấy.

Phải chăng đó chính là sự báo hiệu đầu tiên về sự thay đổi của Chí Phèo, khi hắn bắt đầu có lại những cảm nhận và bản năng của một “con người”?

Chí Phèo không phải là đá, hắn cũng không phải con quỷ dữ chỉ say mùi rượu và xác thịt.

Khi tỉnh lại, hắn thấy buồn, buồn cho cuộc đời và sự cô độc của chính hắn.

Có lẽ sau một khoảng thời gian đằng đẵng, đây là lần đầu hắn tỉnh dậy, tỉnh rượu và tỉnh ngộ.

Hắn thèm được làm người lương thiện, thèm được một cuộc đời yên ổn, hòa hợp được với mọi người.

Và Chí Phèo cũng nhận ra người duy nhất có thể mở cánh cửa giúp hắn quay về làm người lương thiện chính là Thị Nở.

Không thể phủ nhận rằng chính cơn ốm của Chí Phèo làm hẳn tỉnh rượu và bắt đầu nghĩ về cuộc đời, nhưng hơn cả điều ấy, chính cơn ốm đã đẩy hai người đến gần nhau hơn, và bát cháo hành của Thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều hơn, về cuộc đời của hắn, về cuộc đời có thể hòa hợp với mọi người.

Thị Nở vẫn ngơ ngẩn, thị chỉ nghĩ đơn giản là cho Chí Phèo ăn chút gì sau khi hắn thổ, có lẽ thị không nhận ra điều thị làm, đối với Chí Phèo, không chỉ là bát cháo hành tầm thường ăn lúc ốm.

Có ai từng cho không hắn cái gì như thị chưa nhỉ ?

Có ai nhìn hắn rồi tự nhủ hắn hiền lành chưa ?

Và có ai quan tâm săn sóc hắn như thị ?

Hắn nghĩ, nghĩ mãi, sao hắn không tìm bạn mà chỉ gây thù, và rồi hắn thèm, hắn muốn được làm người lương thiện.

Hắn nhìn thị, hắn “thấy tự nhiên nhẹ cả người”, hắn thấy cái mũi đỏ của thị cũng chẳng có gì là xấu, rồi hắn thấy thị cũng e lệ, cũng đáng yêu.

Đây có phải là tình yêu?

Hắn cũng biết yêu.

Hắn cũng có cảm xúc, đâu phải chỉ là sự ham muốn xác thịt tầm thường.

Một người hay gây gổ, dọa nạt người khác như hắn mà giờ đây tự nhiên thèm được làm người lương thiện, thèm được hòa hợp với mọi người.

Cứ tưởng trái tim Chí Phèo đã chai lì không còn cảm xúc, cứ tưởng Chí Phèo đã quen với giật cướp và ăn vạ.

Cứ tưởng Chí Phèo vừa lòng với cuộc sống bê tha, bệ rạc của hắn và tận hưởng nó.

Nhưng không, Chí Phèo đang thay đổi.

Hắn đã nghiêm túc suy nghĩ về đời hắn, và khát khao một cuộc sống như bao người khác.

Dù cái xã hội này làm thối rữa anh Chí hiền lành ngày xưa, nhưng không thể thối rữa đến tận cùng tâm hồn của hắn được.

Hắn vẫn còn trái tim.

Chỉ là những điều oan trái của cuộc đời và men rượu đã làm hắn lãng quên điều ấy.

Và rồi Thị Nở, chân chất và mộc mạc như cái tính ngẩn ngơ của thị, đã đánh thức trái tim hắn, để hắn cảm thấy “điều tuyệt vời nhất là yêu và được yêu”, để hắn cảm thấy sống hòa hợp với người khác tốt hơn là gây gổ bao nhiêu.

Hắn từng là con sâu rượu, hắn “chưa bao giờ hết say”, vậy mà bây giờ hắn “cố uống cho thật ít”, để “khỏi tốn tiền”, và để “tỉnh táo mà yêu nhau”.

Tâm trạng hắn thay đổi, hắn thay cả tính cách lẫn thói quen.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời hắn biết đến chữ “hạnh phúc”.

Từng bước, từng bước, Chí Phèo bước ra khỏi con đường của tên quỷ dữ làng Vũ Đại để trở thành con người tốt đẹp hơn.

Ai có thể giúp và thay đổi Chí Phèo nhiều như vậy, nếu không phải là Thị Nở?

Câu chuyện kết thúc trong nuối tiếc và bi kịch, bắt đầu từ khi bà cô của Thị Nở không đồng ý chuyện thành thân của cháu bà.

Nhưng nếu bà không xỉa xói, không gào mắng thị, mà ngược lại cười và thúc giục cháu bà cưới hỏi cho nhanh.

Và Thị Nở không phải “lon ton sang nhà nhân ngãi” để “đổ cái tức” mà là báo tin cho Chí Phèo rằng cô Thị đã chấp nhận, liệu Chí Phèo có thành người lương thiện chăng?

Câu hỏi không phải dễ dàng trả lời, khi cuộc đời còn bao nhiêu khó khăn không lường trước được.

Liệu Chí Phèo có chấp nhận được những thử thách nghiệt ngã và sự oan trái của cuộc đời, hay lại để những tính tốt còn sót lại của hắn thối rữa theo cái xã hội bất công này để rồi ngựa lại quen đường cũ.

Tôi không biết, cũng không thể khẳng định chắc chắn, nhưng tôi tin, với một niềm tin mạnh mẽ, rằng Chí Phèo sẽ là người lương thiện, nếu Thị Nở không đóng sầm cánh cửa cuộc đời mới của Chí Phèo lại.

Bốn mươi năm vật lộn với cuộc đời, hắn vẫn còn cái khao khát được sống hòa hợp, được sống lương thiện.

Không phải đấy chính là bằng chứng mạnh mẽ nhất về giá trị con người trong Chí Phèo sao?

Niềm khao khát, tưởng chừng như tầm thường, nhưng vô cùng cao quý ấy vẫn nằm sâu trong tâm hồn Chí Phèo, chờ được thức tỉnh.

Nếu được đón vào xã hội “bằng phẳng, thân thiện”, nếu được sống bên Thị Nở, thì dẫu cuộc đời của một dân đen bị quan lại tham ô, chèn ép, thì hắn nhất định vẫn có được “một gia đình nho nhỏ”, với “chồng cuốc mướn cầy thuê, vợ dệt vải”.

Dù cuộc đời có nghèo, có đói, hắn vẫn hạnh phúc gấp trăm lần cuộc sống của tên du côn chỉ say mùi rượu và vang tiếng chửi làng.

Có thể nói sự gặp gỡ Thị Nở là bước ngoặt quan trọng, khi diễn biến tâm trạng, cũng như tính cách của Chí Phèo dần thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn.

Thị sẽ mở đường cho hắn làm hòa với mọi người, con đường để hắn thực hiện cái ước mơ xa xôi ngày xưa của hắn, về một gia đình nho nhỏ.

Nhưng câu chuyện kết thúc trong bi kịch, khi Chí Phèo giết cụ bá và tự sát, khi Thị Nở nghĩ về cái lò gạch cũ, cái vòng luân chuyển không ngừng về sự ra đời của một Chí Phèo mới.

Vậy Chí Phèo có thành người lương thiện chăng, nếu hắn được chấp thuận cưới thị?

Đó là câu hỏi khó có lời giải đáp, nhưng riêng tôi, với niềm tin không đổi về tương lai tốt đẹp hơn, Chí Phèo rồi sẽ hòa hợp được với mọi người trong cái xã hội của những người lương thiện.

Tác giả: Nguyễn Phan Ngọc Bích

Bà Anh Thơ Andres là một trong những Việt kiều có nhiều tình cảm với quê hương và quan tâm tới việc quảng bá du lịch, giới thiệu văn hoá Việt Nam.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của bà Anh Thơ với một phóng viên đến từ Việt Nam tại Hội chợ thương mại Quốc tế tổ chức ở Nantes (Pháp):

Hỏi:

Thưa bà, điều tâm đắc nhất của bà với văn hóa truyền thống quê hương là gì ?

Trả lời:

Về những nét văn hoá Việt Nam, nói thật là tôi rất yêu thích.

Mà thích nhất là các nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu… những nhạc cụ có âm điệu rất hay, rất cảm động.

Mặc dù tôi nghe rất nhiều lần nhưng tôi luôn thấy hấp dẫn.

Tôi đặc biệt thích nghe Truyện Kiều trong tiếng đàn tranh.

Hỏi:

Được biết những năm gần đây, bà đã có nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá về các sản phẩm truyền thống cũng như những nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam ra với thế giới?

Trả lời:

Sang bên Thụy Sĩ, chúng tôi vẫn tiếp tục làm công tác du lịch và tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư về Việt Nam.

Thời gian qua, tôi thấy rằng, người dân ở Thụy Sĩ, ở Pháp, cũng như ở Đức rất quan tâm đi du lịch Việt Nam.

Từ 4 năm nay, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về Việt Nam.

Ví dụ như ở Thụy Sĩ, chúng tôi tổ chức Lễ hội kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của Việt Nam, trùng hợp với kỷ niệm 50 năm Lễ hội Geneva, đây là một hội chợ.

Sau đó chúng tôi tổ chức các cuộc triển lãm ở một số nơi, như Hội chợ Geneva, Martini, Contois Suisse, Mumba, Bazen… đây là những sự kiện Việt Nam được mời làm khách danh dự.

Chúng tôi còn tham gia tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm ở Đức như Stutgatz, Berlin, Hanover..

Hỏi:

Tại Pháp, chúng tôi thấy những gian hàng sản phẩm của Việt Nam cùng những hoạt động quảng bá giới thiệu về Việt Nam mà bà đứng ra tổ chức đã thu hút rất nhiều người tới tham quan tìm hiểu…

Trả lời:

Chúng tôi tham gia tổ chức trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, về các hàng thêu, gốm sứ, sơn mài.

Đặc biệt, chúng tôi có gian hàng giới thiệu văn hoá, nghệ thuật truyền thống Việt Nam, trong đó có sự tham gia của chị Trương Thị Quỳnh Hạnh, nhà nhạc học dân tộc nổi tiếng ở Pháp, chuyên nghiên cứu nhạc cụ dân tộc.

Qua việc trưng bày Làng Việt Nam trong khung cảnh cùng với các nghệ nhân và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế, chúng tôi rất tự hào.

Tại hội chợ, chúng tôi đoạt giải nhất về thiết kế trình bày mỹ thuật tại các gian hàng sản phẩm Việt Nam.

Đặc biệt, tôi thấy người dân ở đây rất quan tâm tới âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Từ ngày chúng tôi giới thiệu Làng văn hoá Việt Nam, mỗi ngày đều có các nhà báo đến tìm hiểu, phỏng vấn, viết bài.

Những sản phẩm mà chúng tôi giới thiệu rất đặc sắc, được công chúng đánh giá cao.

Chúng tôi hy vọng qua các cuộc trưng bày triển lãm, hội chợ, chúng ta sẽ tìm được những đối tác để các nghệ nhân Việt Nam có thể xuất khẩu được hàng hoá của mình.

Ngoài ra, những sản phẩm về sơn mài đặc biệt cũng được giới thiệu tại các hội chợ.

Đây là niềm tự hào dân tộc, nên chúng tôi cố gắng làm hết sức.

Hỏi:

Là người từng làm công tác quảng bá du lịch Việt Nam, bà nhận thấy triển vọng phát triển du lịch Việt Nam như thế nào?

Bà sẽ làm gì để góp phần nhiều hơn trong việc đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới?

Trả lời:

Theo tôi nghĩ, tương lai của Việt Nam là rất sáng sủa, nhất là lĩnh vực du lịch.

Thời gian tới, Việt Nam nên tập trung hơn vào việc đào tạo các nhân viên du lịch giỏi, đầu tư phát triển ngành du lịch, bởi đây là ngành có nhiều triển vọng.

Đối với chúng tôi, được học hỏi ở các nước về lĩnh vực maketting du lịch, rồi đã làm việc ở Bộ phát triển du lịch Thuỵ Sĩ, qua đó chúng tôi trang bị thêm được khá nhiều kinh nghiệm.

Tôi cũng mong được mang những kinh nghiệm đó để phục vụ quê hương, thông qua những hoạt động quảng bá, giới thiệu Việt Nam, đồng thời có thể tạo điều kiện giúp cho các công ty, các doanh nghiệp, nghệ nhân ở Việt Nam có thể mang tiếng nói, các sản phẩm của mình giới thiệu ra thế giới.

Nguồn: Vietnam – Singapore Business Club

Mừng sinh nhật em

Mừng em sinh nhật vui

Em lại hồng đôi má

Chúm môi thổi nến xinh

Anh đoán thầm lời ước

* * *

Sinh nhật hồng hay tím

Hạnh phúc hay đợi chờ

Tuổi mới vừa chạm ngỏ

Có mơ mộng vu vơ ?

* * *

Có vui bên duyên mới

Quên một người xa xưa

Ngày ấy thường cắn bút

Tặng em nhiều bài thơ

* * *

Thơ buồn khi em khóc

Thơ vui khi em cười

Vô tình hay hữu ý

Chỉ mấy vầng thơ thôi !

* * *

Giờ cũng ngần ấy chữ

Cho em sinh nhật vui

Cho em ngoan giấc ngủ

Cho em mơ mộng thôi

* * *

Hoa có người ấy tặng

Hương đã làm em say

Thơ càng thêm lạc lõng

Rồi theo sương khói bay

* * *

Thôi nhé anh quay bước

Lặng lẽ như áng mây

Tự nhủ lòng: vui nhé

Cho tròn sinh nhật này

Tác giả: Phương Thảo